Chủ đề hôm nay 16/05/2018: Xét xử vụ án tại Ngân hàng Đại Tín sáng 16/5
Sau phần xét hỏi của Hội đồng xét xử và Viện kiểm soát, sáng nay (16/5) các luật sự sẽ tham gia xét hỏi bị cáo liên quan đến liên quan đến hai hành vi "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" và "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" tại Ngân hàng Đại Tín.
11h - 11h40: Luật sư Lưu Văn Tám bào chữa cho bà Hứa Thị Phấn xét hỏi các bị cáo và các bên liên quan.
Đại diện Ngân hàng CB xác nhận đã kế thừa toàn bộ khoản vay mà Ngân hàng Đại Tín chuyển sang bao gồm 18 Công ty Phương Trang và 22 cá nhân. Việc chuyển giao từ nhóm Phú Mỹ sang nhóm Thiên Thanh các hồ sơ vay không bị ảnh hưởng. Cụ thể có 23 tổ chức, 21 cá nhân phát sinh một hoặc nhiều các giao dịch cho vay.
Vị đại diện này cũng xác nhận khoản vay hiện chưa tất toán hết và còn 46 khoản vay và 1 khoản trái phiếu 2.000 tỷ đồng với dư nợ gốc hơn 9.400 tỷ đồng.
Về 82 hồ sơ vay Ngân hàng Đại Tín chưa có khiếu nạy về việc giả mạo hồ sơ. Hồ sơ vay vốn bao gồm: đề nghị vay vốn, hồ sơ pháp nhân, hợp đồng tín dụng và hợp đồng đảm bảo. Trong 82 khoản nợ của nhóm Phương Trang, phát sinh 26 vụ kiện mà CB kiện Công ty Phương Trang. Hiện tại các vụ hầu hết đã thụ lý, một vụ thì tạm đình chỉ do xác minh tại cơ quan điều tra.HĐXX đề nghị gửi văn bản các tòa án đó tạm đình, chỉ chờ kết quả của phiên xét xử Hứa Thị Phấn.
Trong số khoản dư nợ hiện nay, nhóm Phương Trang cũng đã có đơn xin ngân hàng được miễn giảm lãi với lý do là không có khả năng tài chính.
Về việc nhóm Phương Trang chỉ nhận khoản vay 3.900 tỷ đồng, đại diện CB cho biết đấy là khoản tiền mặt nhóm Phương Trang nhận với bên thứ 3. Việc họ đưa ra ý kiến là đấy là giữa bên thứ 3 và người sử dụng. CB chỉ giải ngân theo hồ sơ vay vốn khách hàng đề nghị, ngân hàng chỉ kiểm soát tài khoản đúng hồ sơ vay vốn. Sau đó CB cũng đã thực hiện công tác hậu kiểm, có giám sát khoản tiền đúng mục đích (có biên bản) nhưng không có biên bản sử dụng vốn nào có bên Phú Mỹ hay bà Phấn.
Đại diện CB cho biết tại thời điểm giải ngân thì không có khiếu nại phát sinh nhưng sau khi phát sinh tranh chấp thì có khiếu nại. Trong hồ sơ vụ án, có một số công ty đã tất toán rồi, nếu Phương Trang không nhận là tất toàn rồi thì nó sẽ làm thay đổi toàn bộ tính toán của ngân hàng.
Được hỏi về những vấn đề trên, đại diện Công ty Phương Trang chỉ trả lời không biết về một số công ty của nhóm Phương Trang đang bị ngân hàng khởi kiện ra tòa và không trả lời vấn đề về có hay không làm đơn xin giảm lãi. Vị này cho biết "Chúng tôi không có ký khoản 9.400 tỷ đồng", Công ty Phương Trang chỉ nhận vay hơn 3.900 tỷ đồng, chỉ nhận trách nhiệm khoản này và sẽ trả gốc lãi khi có kết quả từ bản án này.
10h30 - 10h40: 'Ngân hàng Đại Tín không bị thiệt hại trong khoản vay 127 tỷ đồng'
Luật sư Nguyễn Kim Dung xét hỏi các bị cáo
Bị cáo Lâm Hứa Quỳnh Trinh cho biết khi bị cáo được nhờ làm thủ tục vay tiền cho bà Phấn, bị cáo chỉ nghĩ giúp cho cô mình cũng không nhận được lợi ích gì. Đồng thời hồ sơ pháp lý có đầy đủ thì bị cáo mới ký. Bà thừa nhận ký và không nhận tiền giải ngân.
Về vấn đề thu chi 127 tỷ đồng, bị cáo Trinh chỉ nghĩ có người nộp tiền thì ký mà không biết đây là giấy tờ khống. Bà cho biết nếu như biết đây là chứng từ khống để hợp thức hóa thì đã không ký. Theo quan điểm của bà, 3 hợp đồng tín dụng 127 tỷ đồng đều có tài sản thế chấp nên không gây thiệt hại cho Ngân hàng Đại Tín.
10h - 10h30: Luật sư Hoàng Anh Chiên xét hỏi các bị cáo
Bị cáo Ngô Nguyễn Đoan Trang khai bà phấn có nói do thiếu vốn kinh doanh nên nhờ bị cáo đứng tên 5 hồ sơ vay dùm. Những tài sản đảm bảo bao gồm bất động sản, tiền gửi, cổ phiếu do bị cáo đứng tên. Chị Loan là người chuẩn bị hồ sơ. Bà chỉ ra ngân hàng ký hoàn thiện chứng từ chứ không biết ai nhận tiền cho vay.
Bị cáo Huỳnh Thị Băng Tâm khai ký kiểm soát rồi đưa thủ quỹ thực hiện nên không biết có tiền hay không và cũng không biết ai là người nhận tiền.
9h30 - 10h: Xét hỏi đại diện Nhóm Phương Trang
Đại diện Nhóm Phương Trang cho biết không có khoản nợ nào giá trị 3.900 tỷ đồng mà đây là thực nhận của 82 khoản vay và bắt đầu phát sinh vào tháng 5/2010, nhóm Phương Trang cũng chưa thanh toán bất kỳ khoản gốc nào.
Vị đại diện này xác định bên Phương Trang không hề uỷ quyền cho ông Trần Đăng Quang - Nhân viên phòng quỹ đến giao dịch tại ngân hàng.
"Chúng tôi đã nêu lên sự mâu thuẫn gay gắt giữa Trương Đoàn Quốc Dũng và nhóm Phương Trang. Về việc tất toán, chúng tôi yêu cầu tổng thể 82 khoản vay". - ông nói
Ông cũng cho rằng khoản 400 tỷ đồng ở Ngân hàng Đại Tín do sai sót trong việc buông lỏng số liệu thực nhập, về mặt nguyên tắc hạch toán đó là sai.
9h - 9h30: Luật sư Phan Hồng Sơn tiếp tục xét hỏi bị cáo Huỳnh Thị Băng Tâm về việc xử lý khống giấy tờ.
Bà Tâm khai chịu sự chỉ đạo cấp trên ký khống chứng từ nhưng không được hưởng lợi gì, không cố ý làm trái, chỉ theo chỉ đạo của cấp trên. Bị cáo Tâm vào làm Ngân hàng Đại Tín với mong muốn ổn định nhưng do thiếu hiểu biết pháp luật do học trái ngành.
Sau đó, bị cáo Ngô Thị Ngân khai mình chỉ cho mượn tài khoản để nộp tiền vào đó chứ không sử dụng. Bị cáo chỉ ký tên. Muốn xem tài khoản đó thì phải nhờ kế toán chứ ngân quỹ không được xem. Bị cáo xin HĐXX xem xét lại khoản tiền 42 tỷ đồng vì không sử dụng và không biết số tiền đó ở đâu.
Bà Ngân cho biết sau khi nhận số tiền 4.000 tỷ đồng từ NHNN thì bị cáo có gọi cho ngân hàng là mang tiền về và gọi cho anh Ngô Trí Đức và được yêu cầu mang về tòa nhà Lam Giang để giao cho khách hàng. Số tiền được giao cho khách hàng là bên Phương Trang và có ký bảng xác nhận. Bà chỉ là nhân viên và không biết gì, bà mong HĐXX xem xét do gia đình bị cáo khó khăn, mẹ đang phải ở nhà thuê, chồng và con đang thất nghiệp vì lý lịch của bà.
8h40 - 9h: Mời Luật sư Nguyễn Văn Hiệp bào chữa cho bị cáo Nguyễn Kim Thanh - nhân viên Công ty Mỹ Phước.
HĐXX cho biết đã xác nhận với bệnh viện bị cáo Thanh có tâm thần ổn định. Từ ngày khởi tố bị cáo có dấu hiệu mất ăn mất ngủ, lo âu, sức khỏe không ổn lắm. Bị cáo Thanh khai mình là nhân viên của công ty Mỹ Phước và xác nhận không có bệnh tâm thần. Tuy nhiên khi được hỏi về việc được cơ quan chức năng đưa đi giám định tâm thần bị cáo chỉ trả lơi không biết.
Bị cáo Lâm Kim Dũng khai biết được ông Thanh là Phó giám đốc Công ty Bất động sản Lam Giang dựa vào chức vụ in trên namecard. Ông Dũng thừa nhận mình chỉ đứng tên dùm chứ không tham gia quản lý công ty nên không biết rõ tình hình của công ty.
Phiên tòa xét xử tại vụ án ngân hàng Đại Tín (ảnh: Minh Anh) |
Tóm tắt phiên tòa chiều 15/5:
Bên cạnh những tài sản bị cơ quan điều tra kê biên, phong tỏa do các bị cáo đứng tên bà Hứa Thị Phấn. Tại phiên tòa, các cá nhân, tổ chức có tài sản bị kê biên đều xin HĐXX xem xét, sớm phong tỏa. Các cá nhân này cho biết, đây là những tài sản thuộc sở hữu của họ, không phải của bà phấn.
Liên quan đến đến việc kê biên 114 bất động sản là tài sản đảm bảo cho 29 khoản vay của nhóm Phú Mỹ của bà Phấn, ông Phạm Công Danh cho biết đã bỏ ra hơn 3.581 tỷ đồng để được lấy 114 bất động sản của bà Phấn nhưng bà Phấn không giao cho ông.
"Tôi không nghĩ rằng nghĩa vụ tôi làm xong rồi, mà lại không nhận được tài sản. Không có một doanh nghiệp bỏ ra hơn 3.500 tỷ đồng để rồi không nhận được cái gì cả, kính mong HĐXX xem xét", ông Danh bức xúc.
Tuy nhiên HĐXX cho biết, theo hợp đồng chuyển nhượng thì ông Danh chưa thực hiện chuyển giao các nghĩa vụ tài chính 902 tỷ đồng, nghĩa vụ công đoàn 135 tỷ đồng.
Đáp lại lời của HĐXX, ông Danh cho biết: "Ông Luận đã nhiều lần gặp tôi và cảnh báo việc này có liên quan đến việc tranh chấp với bên thứ 3 nhưng tôi đã không tin. Trong 114 bất động sản này không có tên của bà Phấn, mà đều là người khác đứng tên".
Ông Danh đề nghị HĐXX xem xét, yêu cầu bà Phấn phải trả lại tiền cho ông và ông sẽ trả lại tiền cho Ngân hàng CB.