Doanh nhân Nguyễn Mạnh Dũng cho rằng start-up công nghệ đối mặt với rủi ro rất cao trong thời công nghệ 4.0 nên những công ty thuộc top 3 mới có thể sống sót.
Dù mới xuất hiện trong nửa chặng đường của Shark Tank Việt Nam mùa hai, nhưng doanh nhân Nguyễn Mạnh Dũng (Dzung Nguyễn) – Giám đốc Qũy đầu tư CyberAgent Việt Nam & Thái Lan - đang thể hiện khẩu vị "cá mập" đậm chất công nghệ. Xuất hiện tại sự kiện "Meet The Sharks" gần đây, ông chia sẻ quan điểm cá nhân về khởi nghiệp công nghệ.
5 nhà đầu tư tham dự sự kiện "Meet The Sharks" tại Hà Nội vào chiều 21/8.
Vai trò định hướng cho start-up
Từng nâng đỡ cho nhiều công ty khởi nghiệp như Foody, Tiki, Vật giá, ông Dũng muốn đồng hành cùng start-up được cam kết đầu tư. Theo ông, ngoài tiền, giá trị lớn nhất của nhà đầu tư là sự cố vấn, hỗ trợ giúp doanh nghiệp định hướng, bứt phá nhanh hơn trong tương lai.
"Danh sách mentor (người cố vấn) góp phần tăng thêm niềm tin cho nhà đầu tư ở những vòng gọi vốn tiếp theo. Ngoài ra, họ còn giúp nhà sáng lập gây dựng uy tín trong chính đội ngũ nhân viên của mình", ông Dũng nói.
Mặt khác, người rót vốn ban đầu là người trao niềm tin đầu tiên cho dự án. Bởi vậy, nhà sáng lập nên nắm bắt cơ hội, đặc biệt không để yếu tố thất bại xuất phát từ mình.
Trải qua 11 năm đầu tư cho 40 công ty, nhưng từng tiếp xúc hơn 400 chủ doanh nghiệp, giám đốc điều hành CyberAgent nắm lượng thông tin lớn, nhìn nhận đa chiều về lĩnh vực công nghệ. Với kinh nghiệm đúc kết, Mạnh Dũng cho rằng ông giống như thiết bị định vị (GPS) soi đường cho người khởi nghiệp đến đích nhanh hơn, tránh lãng phí, thất bại.
Doanh nhân Dzung Nguyễn - giám đốc Qũy đầu tư CyberAgent Việt Nam & Thái Lan.
Nhà sáng lập mô hình kinh doanh công nghệ là người dũng cảm
Doanh nhân Dũng khẳng định, những người khởi nghiệp công nghệ phải học, hiểu lĩnh vực này. Trong thời đại 4.0, tỷ lệ start-up công nghệ rất thấp do khả năng rủi ro quá cao, thậm chí lên tới 97%. Những công ty nằm trong nhóm 3 doanh nghiệp hàng đầu mới có khả năng sống sót. Vì thế, những người quyết định thành lập công ty công nghệ đều rất dũng cảm.
Để giảm thiểu nguy cơ thất bại, chủ doanh nghiệp phải hiểu rõ thế mạnh của bản thân. Thay vì học theo những mô hình thành công sẵn có, họ nên làm thứ phù hợp với nguồn lực bản thân. Trước khi bắt đầu, người khởi nghiệp phải trả lời đủ 5 câu hỏi: Sản phẩm là gì? Cung cấp cho ai? Thị trường nằm ở đâu? Đối thủ là ai? Thế mạnh doanh nghiệp là gì?.
Nếu lĩnh vực kinh doanh khác không giới hạn độ tuổi khởi nghiệp, thì lĩnh vực công nghệ lại đòi hỏi người trẻ để sẵn sàng thay đổi liên tục, tiếp nhận cái mới. Theo Dzung Nguyễn, nhà sáng lập star-up công nghệ nên ở trong độ tuổi 24-28.
"Đây là độ tuổi đẹp nhất để học hỏi, đủ chín chắn để biết mình là ai, mình làm cái gì. Khi nhà sáng lập 30 tuổi, doanh nghiệp vẫn chưa ổn định, phát triển quy mô thì nên từ bỏ", ông Dũng nhấn mạnh.