Sau cuộc tranh luận giữa ba "cá mập" để giành quyền rót vốn cho công ty sản xuất thiết bị lưu trữ năng lượng xanh của chàng trai Việt kiều trong Shark Tank Việt Nam vào tối 19/9, ông Phạm Thanh Hưng giành phần thắng với đề nghị đầu tư 1 triệu USD.
Khởi nghiệp để tạo ra giá trị cho xã hội
Nguyễn Ngọc Minh sinh ra ở Ninh Thuận, nhưng trưởng thành trên nước Mỹ từ năm 9 tuổi. Được truyền cảm hứng nghiên cứu năng lượng từ cha nuôi, anh ấp ủ hoài bão tạo ra sản phẩm giá trị cho xã hội.
Nguyễn Ngọc Minh (bên phải) - người sáng lập Power Centric, và Sơn Tùng (bên trái) - giám đốc sản xuất Power Centric, trong Shark Tank Việt Nam vào tối 19/9.
Về thăm quê, Minh nhận thấy nguồn điện ở Việt Nam không ổn định. Trong khi đó, các nước phát triển đang ra sức nghiên cứu giải pháp lưu trữ năng lượng tái tạo như gió, mặt trời, nhằm phục vụ nhu cầu điện cho thiết bị công nghệ ngày càng tăng. Anh nảy ra ý tưởng chế tạo thiết bị năng lượng xanh.
Power Centric do Minh sáng lập là công ty chuyên nghiên cứu, thiết kế, sản xuất công nghệ năng lượng xanh như pin, hệ thống tích trữ, máy phát điện. Bộ sản phẩm bình tích điện đa năng có thể thay thế ắc quy được sử dụng phổ biến trên xe điện, hệ thống lưu trữ năng lượng.
Sản phẩm Power Centric chỉ bằng 1/4 kích thước, trọng lượng của ắc quy thông thường. Đặc biệt, sự kết hợp giữ bình tích và bộ chuyển đổi điện sẽ tạo ra máy phát điện di động gọn nhẹ, dễ lắp đặt, kết nối mở rộng công suất. Sản phẩm có thể nạp năng lượng từ điện lưới, gió hoặc ánh sáng mặt trời.
Sản phẩm là chìa khóa của năng lượng tái tạo
Đến nay, Power Centric đã hoàn thiện sản phẩm, tung ra thị trường. Doanh thu sau 2 tháng thử nghiệm là 500 triệu đồng, lợi nhuận đạt 30 – 50% doanh thu từ bán lẻ cho doanh nghiệp, cá nhân. Hiện tại, công ty có đơn hàng trị giá hơn 5 tỷ đồng, đang thương lượng với tập đoàn và một số chuỗi cửa hàng bên Mỹ.
Nhà xưởng sản xuất Power Centric khoảng 1.200 m2, nằm trong Khu công nghệ cao tại Quận 9, TP. Hồ Chí Minh. Muốn mở rộng quy mô sản xuất, doanh nghiệp, Ngọc Minh cùng người đồng sáng lập Sơn Tùng quyết định kêu gọi đầu tư. Xuất hiện trên Shark Tank Việt Nam vào tối 19/9, họ gọi vốn 500.000 USD cho 10% cổ phần hoặc 1,5 triệu USD đổi lấy 30% cổ phần Power Centric.
Trước dàn "cá mập", nhà sáng lập khẳng định, công nghệ lưu trữ là chìa khóa của năng lượng tái tạo. Năm 2022, thị phần lĩnh vực này đạt khoảng 100 tỷ USD. Do đó, công ty dự kiến doanh thu năm 2019 là 5 triệu USD.
Dây chuyền sản xuất Power Centric đang tạo ra tối đa 60.000 sản phẩm/ năm. Trung bình giá thành cho một bộ pin là 499 USD (rẻ hơn 30% giá sản phẩm cùng loại của Trung Quốc), tuổi thọ khoảng 5 năm.
"Thiết bị có thể kết nối với điện thoại di động qua bluetooth, phiên bản mới là wifi. Người dùng xe điện sẽ biết quãng đường xe có thể di chuyển với lượng pin còn lại, thậm chí định vị được những trạm sạc gần đó", Minh nhấn mạnh.
Nhóm cổ đông của Power Centric gồm 3 thành viên chính, trong đó Ngọc Minh sở hữu 70% cổ phần. Vốn mà nhóm góp vào doanh nghiệp là hơn 11 tỷ đồng. Chi phí đầu tư cho một dây chuyền sản xuất dao động 3 – 5 tỷ đồng tùy vào mức độ tối tân của máy nhập.
Doanh nhân Phạm Thanh Hưng xem thử sản phẩm bình tích điện đa năng của Power Centric trong Shark Tank Việt Nam.
Cuộc tranh giành của 3 nhà đầu tư
Trái "khẩu vị", Nguyễn Mạnh Dũng nhanh chóng rút lui khỏi thương vụ dù biết tiềm năng của lĩnh vực này. Nữ doanh nhân từ chối rót vốn vì nhận thấy Power Centric chưa cần tới nhà đầu tư vào thời điểm hiện tại.
"Bạn chi ra 10% lúc này rất phí vì doanh nghiệp đã tạo ra sản phẩm mà người dùng chấp nhận. Bạn khoan nghĩ về Việt Nam, hãy bán ở thị trường bên Mỹ. Khi hoàn thiện sản phẩm, kênh quảng cáo thông điệp, khách hàng chuẩn rồi, bạn gọi vốn lớn để mở rộng hơn nữa", bà Linh bày tỏ quan điểm.
Sau cái "lắc đầu" của 2 doanh nhân, ông Phạm Thanh Hưng lập tức đưa ra đề nghị đầu tư 500.000 USD cho 30% cổ phần. Phó chủ tịch tập đoàn CEN nói rằng ông từng học bách khoa, MBA nên hiểu biết kỹ thuật, kinh doanh, khách hàng tiềm năng và cơ hội đưa Power Centric ra thị trường quốc tế. Ông có thể cùng nhà sáng lập thực hiện mục tiêu biến tất cả cửa hàng xăng dầu trên cả nước thành trạm sạc, đổi acquy.
Đúng sở trường làm năng lượng, Phó chủ tịch TTC – ông Đặng Hồng Anh - ngỏ ý hợp tác cùng Thanh Hưng. "Anh có thể là khách hàng của chúng tôi. Nếu anh sản xuất điện nên cần bình lưu trữ, tôi sẽ bán cho anh", ông Hưng đáp.
Doanh nhân Hồng Anh và "vua chảo Sunhouse" Nguyễn Xuân Phú bắt tay, cùng nhau chi 500.000 USD để lấy 25% cổ phần.
Trước hai lời đề nghị đầu tư, Ngọc Minh gợi ý 3 "shark" rót 1,5 triệu USD để cùng xây dựng nhà máy thật lớn. "Lắm cha con khó lấy chồng. Bạn muốn nhiều tiền hơn hay tỷ lệ cổ phần thấp hơn?", ông Hưng hỏi một cách thẳng thắn.
CEO Power Centric cho rằng một triệu USD giúp công ty phát triển nhiều hạng mục. Phó chủ tịch CEN liền đồng ý đầu tư 1 triệu USD, bao gồm: 500.000 USD cho 30% cổ phần, 500.000 USD cho vay chuyển đổi.
Liên minh hai nhà đầu tư không khoan nhượng khi liên tục liệt kê những thế mạnh của bản thân - như ông Hồng Anh đang làm năng lượng, ông Phú mạnh về bán hàng, đặc biệt có ít nhất 100 nhân viên bán sản phẩm cho Power Centric.
"Tôi có 1,5 vạn nhân viên đang bán bất động sản, hàng trăm nghìn hộ gia đình là khách hàng của CEN. Tôi đồng ý giảm tỷ lệ xuống còn 25%, nhưng bạn phải nhìn thấy lợi thế, sự hỗ trợ của tôi cho Power Centric. Khoản vay không lãi suất trong 6 tháng đầu tiên, sau đó lãi suất tối đa là 10%", ông Hưng đưa ra đề nghị cuối cùng. Sau đó Minh Ngọc và Sơn Tùng chấp nhận đề nghị của ông.