Thông tin nhà máy đường duy nhất trên địa bàn tỉnh Hậu Giang có kế hoạch tạm ngưng hoạt động trong vụ ép mía tới đây đã tạo ra sự lo lắng cho dân trồng mía của tỉnh.
Xem thêm: https://vietnambiz.vn/chu-de/duong-42.htm
Chia sẻ với người viết, bà Phùng Thị Hai, ở ấp Tân Phước A2, xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Năm nay, nông dân rất mừng vì lần đầu tiên nhà máy đường cho vay phân và tiền mua giống.
Tôi đã vay 20 bao phân và hơn 10 triệu tiền giống, đợi đến khi nhà máy chạy tôi mới có thể trả trừ nợ nhưng nếu năm nay mà nhà máy nghỉ sản xuất là nông dân chết liền", bà Hai lo lắng.
Bởi theo hộ nông dân này, tiền nhân công chỉ 100.000 đồng/ngày/người nhưng năm nay họ tính 25.000 đồng/giờ, chưa kể tiền phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đều tăng so với cùng kỳ, nhất là giá phân bón tăng gần 50%.
"Đến khi mía thu hoạch đưa ra nhà máy đường, trừ phí này phí nọ thì không còn lời bao nhiêu. Vì vậy, nếu nhà máy đường không thu mua mía, nông dân sẽ càng lâm vào tình cảnh khó khăn chồng chất”, bà Hai chia sẻ.
Niên vụ mía 2020-2021, nông dân trên địa bàn tỉnh Hậu Giang xuống giống được 5.000 ha, riêng huyện Phụng Hiệp có 4.700 ha. (Ảnh: Báo Hậu Giang)
Cũng theo hộ nông dân này, vụ mía thường sẽ bắt đầu thu hoạch từ tháng 9, tháng 10, với diện tích đất hiện có hàng năm bà thu hoạch khoảng 500 - 600 tấn mía chủ yếu bán chữ đường cho nhà máy Phụng Hiệp và mía chục (mía dùng làm nước giải khát) cho thương lái.
Tuy nhiên, từ đầu tháng 8 đến nay, nông dân trồng giống mía chín sớm ROC 16 với mục đích bán mía chục thì không bán được. Nguyên nhân là các tỉnh phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19 nên người dân hạn chế ra đường, từ đó nhu cầu tiêu thụ nước mía gần như không có trong lúc này.
Vì vậy, với việc không tìm được đầu ra nên thời gian gần đây, thương lái không đến các vùng nguyên liệu mía chục để thu mua mía cho bà con, cộng với đầu ra từ nhà máy đường nếu bị ngừng đột ngột thì người trông mía sẽ rất khó khăn.
Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp, cho biết hiện nay ngành nông nghiệp của địa phương chưa nhận được văn bản nào của nhà máy Phụng Hiệp thông báo về việc tạm ngưng hoạt động.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn: "Hiện nay cả ĐBSCL chỉ còn nhà máy Phụng Hiệp của Casuco hoạt động nên nếu nhà máy dừng hoạt động thì nông dân rất khổ sở vì một năm xuống giống chỉ trông chờ ngày thu hoạch, giờ nhà máy không chạy thì bao nhiêu vốn liếng đã đổ vào chỉ bỏ đi, nông dân khổ một năm".
Đại diện ngành nông nghiệp Phụng Hiệp cho biết thêm, thường vào khoảng tháng 5 hàng năm lãnh đạo nhà máy đường Phụng Hiệp sẽ đến liên hệ với chính quyền địa phương để cùng trao đổi về kế hoạch sản xuất cũng như những chính sách và giá bao tiêu mía, đồng thời tổ chức ký kết hợp đồng bao tiêu mía với người dân trước khi vụ ép bắt đầu.
Năm nay nhà máy chỉ đến đề nghị hợp tác với bà con nông dân hồi đầu vụ, sau đó tự liên hệ trực tiếp người trồng mía của huyện trong việc trao đổi các hình thức thu mua mía chứ không liên hệ và làm việc trực tiếp với ngành chức năng địa phương nữa.
"Thường hàng năm khoảng 25/9 nhà máy mới bắt đầu chạy, năm nay có thể do tình hình điều động nhân công khởi động nhà máy không thuận lợi do dịch bệnh nên không loại trừ khả năng hoạt động chậm", ông Tuấn cho hay.
Còn tiếp...